A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BAO DUNG VỚI CON TRẺ

Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường Tiểu học có vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh. GVCN là cầu nối giữa nhà trường với học sinh, là sợi dây liên kết không thể thiếu với phụ huynh học sinh, là người chịu trách nhiệm trước nhà trường về mọi hoạt động của lớp, mọi hành vi của học sinh. Khác với các bậc học trên, đối tượng dạy học của chúng ta còn nhỏ tuổi, các kĩ năng hoạt động còn hạn chế, ý thức tự giác của các em chưa cao… Do đó để làm tốt công tác chủ nhiệm lớp đòi hỏi giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian và công sức. Vậy làm sao để làm tốt vai trò của GVCN trong hoạt động dạy - học của nhà trường, xin mời quý thầy cô và các bậc PHHS cùng đọc những lời tâm sự và chia sẻ của một cô giáo ở thành phố Hà Nội, biết đâu chính chúng ta lại tìm thấy vài điều “mới mẻ” trong đó?

 

BAO DUNG VỚI CON TRẺ

“Sau nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm gặp không ít những đứa trẻ "cá biệt" mình nhận ra rằng để đến gần một đứa trẻ, giúp đỡ và định hướng đứa trẻ đó không phải mình phải thật giỏi về chuyên môn, mình phải rất cute, cá tính hay "quái chiêu". Những đứa trẻ ở lại bên mình lâu nhất, chịu thay đổi và trưởng thành thực sự phần lớn đều là những đứa trẻ mà mình dùng đủ sự bao dung, đủ thời gian để đi bên cạnh các con mà thôi.

Nếu ngay từ đầu bạn đến với một đứa trẻ với suy nghĩ "chinh phục" và cải tạo chúng, làm chúng phải thay đổi tức là bạn đã đặt mình ở cửa trên, tức là mọi việc bạn làm dẫu là lắng nghe, dẫu là chia sẻ vẫn là với mục đích có lợi cho bạn và bạn phải là người chiến thắng.

Nếu bạn nuôi dạy con trẻ để chứng minh với bên ngoài, với ai đó hay với chính mình rằng bạn thật sự rất hiểu biết, rất cá tính, rất tâm lý... thì đứa trẻ rất nhanh chóng nhận ra bạn ở gần nó là vì bạn không phải vì chính nó.

Mình đã gặp qua rất nhiều đứa trẻ mà hoàn cảnh sống của các em đã khiến các em có nhiều hành động khiến người lớn không thể hiểu và chấp nhận được. Có những cậu học trò của mình mặt rất "gợn đòn", luôn chống phá, lại có những cậu yêu đương nhăng nhít chưa đầy tháng đã chia tay rồi lại yêu tiếp,... Những đứa trẻ nhìn thấy người lớn là muốn gây sự. Chuyện thế giờ chẳng hiếm dù ở nông thôn hay thành phố.

Thứ duy nhất mình thường làm cho các em là bao dung. Bao dung không phải là dung túng, không phải là mặc kệ muốn làm gì cũng không bị trách phạt. Bao dung thực ra là thấu hiểu nguyên nhân vì sao các em làm thế? Bao dung thực ra là yêu thương nên muốn giúp đỡ các em. Bao dung thực ra là đặt mình trong vị thế của các em để biết rằng chúng cũng đang ở một giai đoạn khó khăn. Bao dung là vẫn chỉ ra chỗ sai chỗ đúng, là vẫn định hướng nhưng kiên nhẫn, lắng nghe và thấu hiểu.

Người lớn chúng ta rất dễ chỉ ra cho bọn trẻ con sai ở chỗ nào. Nhưng lại rất ít người chịu chỉ ra cho đứa trẻ chúng cần làm gì, từng bước ra sao... Thế nên con trẻ luôn hoang mang. Và sự hoang mang dẫn tới chống đối, lạc lối.

Khóa học sinh 12 của mình vừa thi tốt nghiệp ra trường. Cho tới giờ thỉnh thoảng tối lại có mấy bạn chạy qua nhà mình đòi uống trà đá với cô. Mình cũng biết các em đang ở một đoạn hẫng và mình lại kiên nhẫn ngồi nghe những câu chuyện chẳng đầu chẳng cuối. Đôi lúc mình chợt nghĩ người lớn chúng ta nhiều lí thuyết dạy con trẻ quá tới mức quên mất một bản năng thật lớn ấy là yêu thương và chờ đợi đứa trẻ trưởng thành như phật tổ Như Lai cho Tôn Ngộ Không vùng vẫy trong lòng bàn tay mình để nhận ra bài học cuộc đời vậy.

Mình chẳng cool ngầu gì, vẫn ngày ngày như bao bà mẹ khác canh cánh với những nỗi niềm của con trẻ, cả con mình và con người. Mình vẫn lo những nỗi lo rất thường tình, vẫn yêu thương tự nhiên như vũ trụ trao gửi. Và vì thế mình cũng nhận thấy những đứa trẻ của mình lớn lên ít đổ vỡ hơn.

Ngày hôm qua mình được phụ huynh tặng mấy chục quả trứng, giữa lòng thủ đô vẫn có phụ huynh mộc mạc thế đấy. Chị bảo chị đến cảm ơn không phải vì con chị thi điểm cao hơn kì vọng, môn Văn cháu đc 8.75 mà chị đến vì chị biết ơn mình đã kiên trì dạy dỗ con chị - đứa trẻ mà chính chị làm mẹ cũng cảm thấy bất lực và chán nản. Năm lớp 10, chị nghĩ chị không thể chịu đựng được nó nữa dù nhà một mẹ một con. Mình không kể với chị là năm con chị học lớp 10 nó cũng từng làm mình bật khóc. Nhưng mình đã không ghét hay cách xa đứa trẻ ấy, mình nhanh quên những việc nó làm để chỉ nhớ nó là đứa trẻ rất nhanh nhẹn. Sau hồi lâu mình và đứa trẻ đó đã có cách kết nối khác và đứa trẻ đã khoan thai lớn lên "bình thường" như bao bạn khác. Hành trình ấy không đến từ một cô giáo giỏi mà chỉ đến từ trái tim của một người phụ nữ muốn bao dung để dẫn lối cho những đứa trẻ.

Nếu bạn gặp các vấn đề của con cái tuổi dậy thì, hãy tự hỏi lại mình đã đủ bao dung và yêu thương chưa? Kỉ luật luôn rất cần và nó cần được làm bằng một quá trình kiên trì hướng dẫn, bao dung lỗi lầm, uốn nắn hành vi, đi từ từ nhưng chắc chắn sẽ đến đích.”

Nguồn: Tác giả Nguyễn Diệp – Hà Nội

 


Tổng số điểm của bài viết là: 69 trong 14 đánh giá
Click để đánh giá bài viết